Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Cộng đồng bức xúc với tệ nạn chốn linh thiêng

Mấy ngày qua, hình ảnh cụ bà ăn xin run tay cầm bát phở và bị gã thanh niên lấy hết tiền trong chiếc túi vừa xin được khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Vừa chia sẻ trên mạng, bức ảnh đã nhận được hàng trăm ngàn lượt bình luận. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, gã thanh niên kia chính là bảo kê của đường dây ăn xin mà cụ già trong ảnh là một “diễn viên”.

Dậy sóng hình ảnh cụ bà ăn xin bị bóc lột tại chùa Hương


Thời điểm này, nhiều lễ hội của đất nước bắt đầu khai hội. Mặc dù công tác tổ chức lễ hội đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc cho khách thập phương đi lễ. Tình trạng này đã được người dân phản ánh qua các trang mạng xã hội. Đơn cử như tình trạng ăn mày, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, xô đẩy, đánh cướp nhau... Những hình ảnh này nhanh chóng được chia sẻ trên nhiều diễn đàn và gây bức xúc phẫn nộ lớn từ dư luận.

Mấy ngày qua, hình ảnh một cụ già ăn xin bị lấy tiền tại chùa Hương vừa được đăng trên một diễn đàn nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Sở dĩ bức ảnh thu hút sự chú ý vì kèm theo bức ảnh là những miêu tả chi tiết cảnh cụ già ăn mày bị một thanh niên lột tiền. Bức ảnh này được một tài khoản facebook cá nhân chụp vào sáng ngày 6/1 (Âm lịch) khi người này đi du lịch chùa Hương. Chủ nhân của bức ảnh miêu tả: “Đang ngồi thì thấy một ông áo đỏ bê bát phở cho bà cụ. Khi bà cụ đang ăn, thì ông áo đỏ kia nhanh tay nhặt tiền 10.000, 20.000, 50.000 gom lại. Không biết, đây có phải là bọn bảo kê hay ban quản lý di tích không nhưng mình thấy tội quá. Nhìn mặt nó không có chút đạo đức nào, ăn xong cụ lại cúi mặt xin tiền. Khổ! Cụ này chắc cũng ngoài 70! Mọi người xúm lại coi nhưng không dám nói”.

Khi xem bức ảnh trên, nhiều người hết sức bức xúc. Một bạn trẻ có nickname tuyphuongnguyen viết rằng: “Không biết giờ lòng thương hại có thành tội lỗi hay không. Khi những đồng tiền của mọi người cho cụ bà kia trở thành nguồn sống của những kẻ bất lương. Cụ bà này nhìn tội nghiệp như vậy nhưng thật khó để khẳng định cụ không đóng kịch. Tôi cho rằng nên quy định khu vực dành cho người ăn mày ngồi trong các lễ hội để dễ quản lý!”. Một bạn trẻ có nickname xemlavui viết: “Năm nào mình cũng chứng kiến cảnh này. Không cho người ăn mày thì thấy áy náy nhưng cho rồi mình lại có cảm giác như bị lừa. Theo tôi, nên cấm tình trạng ăn mày tại các lễ hội, đặc biệt những lễ hội lớn như chùa Hương”.

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn, dài ngày nhất trong năm nhưng từ lâu vốn tồn tại nhiều thực trạng như tình trạng “chặt chém” khách du lịch chùa Hương mua hàng, ăn xin, chen lấn, xô đẩy trong khi hành lễ... Để làm rõ hơn vụ việc trên, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương, Phó ban Tổ chức lễ hội. Ông Thanh cho biết: “Hiện tại, tôi không nắm rõ thông tin liên quan đến tình trạng ăn xin và bảo kê ăn xin ở chùa Hương. Những nghi vấn liên quan đến tình trạng ăn mày, bảo kê ăn mày không thể giải đáp cụ thể qua điện thoại. Bản thân tôi sẵn sàng cùng với báo chí đi thị sát và làm rõ những vấn đề được phản ánh trên các trang mạng”.

Bức xúc chủ hàng bán lại nước mía thừa cho khách?


Không chỉ chia sẻ những hình ảnh liên quan đến ăn mày, cờ bạc, tình trạng bán hàng chặt chém tại các lễ hội thêm một vấn đề nữa được cộng đồng mạng quan tâm đó chính là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Gây phẫn nộ nhất liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm có thể kể đến là clip ghi lại cảnh người phụ nữ bán nước tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã “vô tư” sử dụng lại nước mía, nước ngọt đã dùng cho các lượt khách tiếp theo. Điều đáng nói, nước ngọt đã sử dụng được đựng vào những chiếc cốc chất đống trên nền đất bẩn thỉu, ruồi nhặng bu đầy, nhưng người bán hàng vẫn thản nhiên dùng lại cho khách mua sau.

Theo clip, người phụ nữ mặc áo đỏ được cho là nhân viên của quán nước mía “siêu sạch” phục vụ du khách du lịch chùa Phật Tích về trẩy hội chùa Phật Tích vào ngày mùng 4 Tết. Theo chủ nhân của clip trên, vào ngày hội chính chùa Phật Tích có hàng ngàn người từ sáng sớm đã nườm nượp về đây trẩy hội. Do lượng du khách quá đông, thời tiết lại khá nắng nóng, nhu cầu uống nước lớn, người bán nước mía đã sử dụng lại những cốc nước và nước thừa (loại cốc dùng một lần - PV) của khách hàng trước để phục vụ cho khách hàng tiếp theo. Hàng trăm cốc nước chất thành đống trên nền đất bẩn không khác gì bãi rác, người bán hàng vẫn “vô tư” nhặt chúng lên đổ nước đi mà không rửa qua bất cứ một lần nước sạch nào trước khi bán cho khách. Sau khi clip “nước mía sạch” tại Bắc Ninh xuất hiện trên một số diễn đàn, ngay lập tức nhận được sự phẫn nộ và chỉ trích của cư dân mạng.

Trước cách thức làm ăn gắn mác “siêu sạch” nhưng “siêu bẩn” của người bán nước mía trong clip, nhiều người sau khi xem clip lên tiếng về cách thức làm ăn gian dối của người bán hàng tại nơi linh thiêng. Hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng chục nghìn lượt bình luận đều phản đối và phẫn nộ việc kinh doanh của cửa hàng trên và khuyên mọi người nên cẩn thận khi đi lễ hội, đi chùa đầu năm. Bạn có nickname Trần Minh bày tỏ sự phẫn nộ: “Thật không thể tin nổi, nơi tôn nghiêm người ta có thể làm những việc thất đức như thế. Đây chỉ là một trong những vấn đề bình thường gặp phải khi đi lễ hội hay đi chùa đền đầu năm. Bản thân tôi không ít lần đi lễ hội cũng bị “chặt chém” mà chẳng biết kêu ai. Hãy tự bảo vệ mình trước những chiêu trò tại các lễ hội”.

Trong khi đó, tràn ngập trên các trang mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh phản cảm tại không ít nơi tôn nghiêm trong những ngày đầu năm mới. Như tình trạng vượt hàng rào, trèo tường mong dâng lòng thành lên thần thánh. Hay như người đi lễ hội xô đẩy, chen lấn, người sau cúng vái người trước... khiến không ít người ngao ngán. Cảnh các tín nữ vô tư ăn mặc sexy đi chùa. Họ xúng xính váy áo đi lễ chùa đầu năm với những chiếc áo mỏng tang, quần tất để lộ cả nội y mà nhiều người mô tả “diện đồ đi chùa như lên bar”. Bạn có nickname Nguyễn Thị Ánh chia sẻ bức ảnh một thiếu nữ tóc nhuộm ngũ sắc vàng đỏ, trang phục không thể ngắn hơn vô tư tạo dáng chụp ảnh tại đền Gióng (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội). Ngay lập tức bức ảnh này đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng với những lời lẽ chỉ trích gay gắt.

Khâu quản lý, tổ chức còn nhiều hạn chế

Liên quan đến khâu tổ chức lễ hội, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển (học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nhiều năm nay hiện tượng chen lấn, xô đẩy, ăn mặc phản cảm hay “hối lộ” thần thánh vẫn diễn ra trong dịp lễ hội, lễ chùa đầu năm. Ngoài ra, còn những hình ảnh không đẹp tại nơi tôn nghiêm như mất vệ sinh, tình trạng “chặt chém”, lời ăn tiếng nói, hành động không đẹp. Có thể nói còn tồn tại vấn đề này là do khâu quản lý, tổ chức còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó là ý thức của người đi lễ chùa. Đừng biến nơi chùa chiền thành nơi phô bày thân thể, như thế rất phản cảm, thiếu tôn trọng”. Cảnh cụ bà ăn mày bị người đàn ông gom tiền tại chùa Hương (nguồn internet). Những dòng miêu tả về hành vi “ăn chặn” tiền của cụ bà ăn mày tại chùa Hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét