Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Hương vị thân thuộc dân dã của chè lam Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm – ngôi làng cổ nhất còn tồn tại ở Việt Nam từ lâu đã được biết đến như một địa điểm du lịch nổi tiếng. Không những thế, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều món đặc sản dân dã nổi tiếng, đặc biệt là món bánh chè lam.

Trước đây, chè lam thường được làm vào dịp Tết như một món ăn chơi dân dã. Ngày nay, khi đến với làng cổ Đường Lâm Sơn Tây, chúng ta không khó bắt gặp mùi hương thơm nức của gạo nếp, mạch nha, gừng, đậu phộng rang từ những gia đình còn duy trì nghề truyền thống này.


Dừng chân tại một cơ sở sản xuất chè lam truyền thống, chúng tôi được tìm hiểu và thưởng thức món chè lam ngay từ khi mới ra lò. Trước đây, người ta thường dùng mật mía để làm chè lam, ngay nay người dân đã thay thế bằng đường Lam Sơn. Dù vậy, hương vị và độ hấp dẫn của chè vẫn không bị mất đi.

Gừng được chọn để làm bánh phải là gừng già, cay và thơm. Sau đó gừng được đem đun với nước, đường và mạch nha ở độ lửa vừa đủ để gừng không bị cháy. Khi đun đã được một màu vàng óng, người ta đổ vào trộn với bột nếp và lạc rang đánh đều lên sao cho không bị vón cục. Sau khi đã quấy đều, bước cuối cùng là đổ chè lên lớp bột trắng cán đều để chè không bị dính vào nhau và có thể cắt thành từng miếng dễ dàng.


Để hoàn thành được món chè lam, đòi hỏi người làm phải hết sức khéo léo trong kỹ thuật quấy đều. Mặc dù các phương tiện máy móc công nghiệp đã rất phát triển, nhưng với người dân Đường Lâm, họ vẫn sử dụng cách làm truyền thống từ đời xưa. Có lẽ vì thế mà hương vị chè lam thân thuộc mãi mãi không bị mất đi, hấp dẫn du khách du xuân đầu năm.

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Chìm vào thiên nhiên non nước Ninh Bình

Ninh Bình là mảnh đất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hoá lịch sử. Du khách đến đây sẽ được trở về với cội nguồn của dân tộc để hiểu thêm về nguồn gốc truyền thống, văn hoá cũng như hiểu thêm về con người và mảnh đất nơi đây.

Đến với Ninh Bình du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cố đô Hoa Lư, hay vẻ uy nghiêm của nhà thờ đá Phát Diệm. Du khách có thể tự do khám phá những bất ngờ thiên tạo ở khu hang động sinh thái Tràng An, khu Tam Cốc - Bích Động…Đó là chưa kể đến thế giới thiên nhiên nguyên vẹn được bảo tồn trong rừng nguyên sinh Cúc Phương, hay sự độc đáo, kỳ thú, hệ động thực vật phong phú, đa dạng của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hay tắm mình ở suối nước khoáng nóng Kênh Gà…


Đường đến Ninh Bình khá thuận tiện, du khách tour du lịch Bái Đính Tràng An 1 ngày có thể lựa chọn xe khách hay ôtô riêng đều được. Với các bạn ưa chuyển động, thích cảm giác thì phượt xe máy quả không tồi, nếu xuất phát từ Hà Nội thì cũng chỉ 3 tiếng là đến nơi. Ở Ninh Bình đi lại khá dễ dàng, du khách có thể thuê xe máy cho thuận tiện và nhanh chóng; chi phí thuê lại khá rẻ 100k/1 ngày là có thể lượn lờ vi vu rồi.

Là địa điểm du lịch nên việc lựa chọn chỗ nghỉ chân không quá khó. Nếu bạn ở lại qua đêm, có thể lựa chọn các khách sạn, nhà nghỉ hay homestay. Homestay ở đây khá nhiều khoảng hơn 20 cái, với số lượng và phong cách khá đa dạng tùy vào sở thích từng người như: view sát núi, hay nhìn ra hồ bơi,v.v... Tuy nhiên nếu muốn có phòng đẹp, bạn nên book trước để tránh trường hợp hết phòng vào những ngày cao điểm và mùa du lịch. Giá phòng ở đây vừa phải, giao động khoảng 500k-900k/ phòng 2 người. 

Ăn uống cũng là vấn đề khá quan trọng mỗi khi đi du lịch. Ở Ninh Bình, bạn có thể thưởng thức đặc sản thịt dê. Du khách có thể lựa chọn nhà hàng Cường Dê hoặc Phố Núi vì thịt ở đây khá ngon và chế biến đa dạng. 

Nếu không ăn được dê, một gợi ý khác cho bạn là chim Tràng An. Đây là món ăn phổ biến ở Ninh Bình, rất dễ tìm được một nhà hàng ngon ngay tại thành phố mà không phải đi xa. Nếu đi 2 người chỉ cần gọi 1 đĩa xôi chim, 2 con chim cu quay là no mà chỉ hết tầm 350k.

Tam Cốc có nghĩa là 3 hang, nhân dân địa phương gọi là hang Cả, hang Hai, hang Ba hay còn gọi một cái tên chung là Tam thuỷ độn và được mệnh danh là vịnh “ Hạ long cạn”... Nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ thiên tạo, với nét đẹp đồng quê mộc mạc và dân dã, với nhiều hang động, mây nước hòa quyện đưa con người chìm đắm vào thiên nhiên cùng với những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng...


Từ bến thuyền Đình Các, du khách sẽ được du ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên hoà quyện với đất trời bằng những chiếc thuyền nan xinh xắn. Dòng Ngô Đồng hàng năm không phân biệt mùa nào, tháng nào, ngày nào như hội tụ thuyền xuôi, thuyền ngược đưa du khách vãn cảnh Tam Cốc.

Cả Tràng an và Tam Cốc đều di chuyển bằng thuyền giống nhau, nhưng bên Tam Cốc sẽ đẹp hơn vì chưa bị thương mại hóa nhiều. Vé tham quan sẽ là 120k/người, còn đi đò sẽ rơi khoảng 150k/chuyến/2 người, free trẻ em dưới 3 tuổi.

Các bạn nên chuyển bị tiền lẻ, vì mua vé rồi nhưng kiểu gì cô lái đò cũng xin thêm  tip. Đi qua 3 động sẽ hết 1 tiếng rưỡi, cuối chặng đò có điểm bán trái cây nước trên thuyền như miền Tây sông nước, giá cũng khá chặt chém.

Đi Tràng An sẽ lâu hơn, phải đi 3 tiếng mới hết, ở giữa chặng sẽ có điểm tham quan di tích chùa chiền, sau khi thuyết minh du khách sẽ được tặng 1 cái đĩa.Vé Tràng an thì: 200k/1 người (bao gồm vé đò). Nếu đi Tràng an cổ sẽ free vé, còn vé đò sẽ là: 45k/ 1 người.

Một địa điểm không thể không ghé thăm khi đến Ninh Bình là Hang Múa. Nằm trong khu di tích văn hóa lại nằm giữa Tam Cốc - Bích Động và Tràng An nên địa điểm này có tầm view 360 độ cực đẹp “nhìn thấu” mọi danh thắng.

Nếu du khách tour Ninh Bình đã từng chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Ninh Bình qua bộ phim Kong và luôn ao ước một lần được đến đây thì quả thật thiên nhiên Ninh Bình rất kỳ vĩ. Hang Múa có hình quả chuông lớn úp ngược, nhìn từ phía dưới chân núi có thể ngắm trọn khung cảnh núi Múa với những bậc thang trắng cheo leo nối tiếp nhau uốn lượn như Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ.


Đường chinh phục núi Múa khá thú vị. Bạn phải đi qua những bậc thang, càng lên cao càng dốc và dựng đứng, đẹp đến động lòng người, tha hồ chụp ảnh sống ảo. Đứng từ đỉnh núi nhìn xuống sẽ là toàn cảnh Tam Cốc, Bích Động đẹp như tranh vẽ. Trên đường về, nên tranh thủ ghé qua thăm quan động giếng Ngọc ngay dưới chân núi Múa cũng rất đẹp.

Đến Ninh Bình không thể không ghé thăm chùa Bái Đính. Chùa Bái Đính được xây dựng mới vào năm 2003 và khu chùa Bái Đính cổ năm 1136. Chùa được xác lập nhiều kỷ lục của châu Á cũng như Việt Nam, như có khu hành lang tượng La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất châu Á.. và nhiều kỷ lục khác nữa, hiện tại Chùa Bái Đính đang là ngôi chùa có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Một số tip nhỏ khi đến Ninh Bình bạn nên lưu ý: đi giầy thể thao, mặc trang phục gọn nhẹ, thấm hút mồ hội hoặc đồ chuyên dụng để thuận tiện di chuyển. Nên cầm heo một bình nước nhỏ để tiếp sức khi dừng chân nghỉ ngơi, tránh để cơ thể mất nước trong quá trình leo núi.  Giữ gìn vệ sinh chung, không nên vứt rác bừa bãi. Ngoài ra, để có những bức ảnh "deep" để đời, bạn nên lựa trang phục với màu sắc tươi sáng, nổi bật bởi back ground sẽ chỉ toàn màu xanh mát mắt của thiên nhiên thôi nhé!

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Bất cập trong bảo tồn giá trị làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2006. Tuy nhiên, trải qua 12 năm thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nơi đây hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Khóc dở, mếu dở vì trùng tu

Mới đây, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp để thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ. Nhiều ý kiến bức xúc, khóc dở mếu dở của người dân trong việc trùng tu đã được nêu ra. Nghịch lý là nhà kiên quyết từ chối, nhà mòn mỏi đợi được tu bổ.Trường hợp trùng tu của gia đình ông Cao Văn Chiến, thôn Cam Thịnh bị chắp vá đủ kiểu.


Ông Chiến cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện nhà cổ và đã được tu sửa được 8-9 năm nhưng gỗ đã mối mọt đục hết, ngày nào cũng phải quét mối mọt”. Ông Chiến cũng cho biết, hiện ông không thể ở được mà chỉ qua lại trông nom vì mái dột, thủng khắp nơi do chất lượng trùng tu kém và ẩu. Mái cũ nhà ông dùng nhiều năm, chẳng bị làm sao, nhưng thay mái mới trùng tu thì chỉ mấy năm là bị trôi, vẹo hết mái.

Ông Chiến bức xúc: “Biết thế này thì tôi không cho sửa nữa. Rất nhiều nhà được sửa cũng nằm chung tình trạng này. Nhà nước có chính sách sửa và giữ được nguyên bản nhà cổ thì ai cũng quý, cũng vui nhưng đúng là khi sửa xong như thế này xuống cấp quá nhanh thì không được, đến ở còn không xong. Tôi đã có suy nghĩ phải tự mình dỡ mái ra để tự sửa mới được, chứ đợi xin phép thì chắc không còn nhà nữa”.

Với lo ngại tình trạng sẽ diễn ra như nhà ông Chiến, gia đình ông Trương Văn Bản kiên quyết từ chối trùng tu: “Nhà tôi 3 gian giữa là nguyên bản chưa hề sửa chữa, gỗ vẫn là gỗ từ xưa có tuổi đời gần 270 năm. Năm 2014, thấy nhà bị xuống cấp, tôi đã xin phép để sửa tuy nhiên tôi không đồng ý cách tu bổ của họ nên không đồng ý cho sửa. Cách thức chỉ là chắp vá và nối vào chỗ mục, chỗ hỏng vì không muốn nhà bị chắp vá nên tôi không đồng ý. Hàng cột các cụ để lại hàng trăm năm mới có dấu hiệu hỏng, trong khi gỗ thay thế vài ba năm đã cong vênh, mối mọt. Thực tế đã có nhiều nhà tu bổ xong còn tệ hơn”.

Trong khi đó, gia đình bà Bùi Thị Thành, thôn Cam Lâm lại mòn mỏi chờ đợi được tu bổ. Bà Thành cho hay: “Nhà tôi có tuổi đời khoảng trên 100 năm, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình không thể tu bổ được. Tôi đã có mấy lần làm đơn đề nghị được cấp phép tu bổ vì tường, vách đã bị mục, nứt hết tạo nên những lỗ hổng hông hốc. Mái nhà, gỗ đã bị mục nát hết, cột bị mối mọt ăn hết tất cả.


Nếu có trận mưa là phải tát nước ra hoặc mang chậu thau ra hứng chỗ dột. Nền bị võng xuống như một cái lòng thuyền, nước chảy tràn hết xuống nhà, rất khó khăn trong sinh hoạt. Tôi chỉ làm ruộng, quanh năm không có tiền, nhà lại không được sửa, rất vất vả. Nhiều khi tôi đã không muốn nhận danh hiệu nhà cổ nữa. Tôi muốn đề nghị thay hoặc sửa lại nhà để tiện sinh hoạt”.

Giải pháp đồng bộ

Hiện nay, làng cổ Đường Lâm có hơn 900 gia đình sống trong cảnh “khóc dở mếu dở” vì nhà cổ. Sau 12 năm, từ khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích cấp Quốc gia, phân loại danh mục các nhà cổ được bảo tồn, mới có 17/956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Liên quan đến nghịch lý trùng tu, ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác trùng tu nhà cổ, có những gia đình được cấp kinh phí và hướng dẫn cho trùng tu nhưng không nhất trí. Ông Sơn cho biết, việc trùng tu được thực hiện theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo đó, phải bảo tồn nguyên yếu tố gốc của di tích.

Biện pháp trùng tu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định là hỏng đâu sửa đấy. “Ví như cột bị hỏng khoảng bao nhiêu % thì phải sửa chỗ đó, có những cái cột ở giữa nhà nhưng không cho người dân thay mới thì họ sẽ không chịu. Nhiều cột, nhà bị mối mọt đáng lẽ ra phải thay nhưng theo quy định thì không được thay, chỉ hỏng đâu sửa đó, làm bằng gỗ xoan thì người dân lại không muốn làm nữa. Dân lúc nào cũng muốn mới, không bao giờ chấp nhận bị chắp vá có trong nhà họ.


Giờ làm nhà bảo tàng thì được nhưng nếu để ở thì khó, bảo tồn phải bảo tồn nguyên trạng thì rất khó” – ông Sơn cho biết. Đây là một việc Ban Quản lý gặp khó khăn trong việc giữ lại những ngôi nhà cổ. Người dân từ chối nhận tiền đầu tư của Nhà nước, bởi vì nếu nhận thì phải thực hiện tu bổ sửa chữa theo cách của người dân. Họ giải quyết bằng cách không ở trong những ngôi nhà cổ đó nữa, mà nhà đó không ở trong một vài năm sẽ bị sập ngay.

Thực tế, phải có giải pháp đồng bộ sao cho vừa giữ được nét cổ nhưng cũng phải mang lại lợi ích cho người dân. Trong đó, cái cốt lõi nhất là phải làm thế nào cho người dân được hưởng lợi từ dịch vụ, du lịch, những sản phẩm nông nghiệp, đặc sản trở thành sản phẩm du lịch như khoai, bánh tẻ, tương, rượu... Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 10% có được thu nhập từ dịch vụ du lịch. Ban Quản lý cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, tập huấn cho người dân dưới sự phối hợp với Nhật Bản, bố trí lại không gian những ngôi nhà, hướng dẫn dân nấu, thi nấu cỗ, hỗ trợ người dân tổ chức chợ quê thu hút du khách du xuân đầu năm.

Trước thực trạng này, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 11403/VP-KGVX về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm. Trong đó, việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh để việc quản lý được tập trung, hiệu quả hơn.

Ông Sơn cũng cho biết, UBND thị xã Sơn Tây và Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã họp với các ngành để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch. Địa phương đang thuê lại đơn vị đánh giá lại kiến trúc, thiết lập lại bản đồ quy hoạch di tích. Trong tháng 4,5 tới đây sẽ tổ chức thông qua hội nghị với người dân cùng các nhà quản lý, các nhà khoa học để điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích làng cổ Đường Lâm.