Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Cảm nhận trọn vẹn hương vị tuyệt vời của nấm mối miền Tây

Cứ vào khoảng tháng 5 âm lịch, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long lại nô nức bước vào mùa nấm mối. Người dân coi đây là “nấm vua” và khẳng định rằng, chẳng có bất cứ loại nấm nào sánh được với hương vị của thứ đặc sản “trời cho” này.

Nấm mối được tìm thấy nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Phước, Đồng Nai... Loại nấm đặc biệt này là món quà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho con người, hoàn toàn mọc tự nhiên và không có sự can thiệp nào khác.


Được biết, mỗi năm, nấm mối chỉ rộ vào khoảng 2 - 3 tháng mùa mưa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Theo y học, nấm mối có giá trị dinh dưỡng rất cao, có khả năng phòng ngừa ung thư hoặc chống lão hóa… Chính vì quý hiếm nên giá bán nấm mối cũng khoảng từ 600.000 – 700.000 đồng. Thậm chí, khi đi vào các nhà hàng, quán ăn, thực khách tour du lịch miền Tây 4 ngày 3 đêm phải bỏ ra cả triệu đồng mới được thưởng thức đặc sản này.

Nấm mối có thân màu trắng, mặt ngoài màu xám và gốc hơi ngả vàng. Chúng chỉ sinh sôi ở nơi khô ráo, có nhiều mối đất sinh sống. Muốn hái được nấm, người dân thường phải đi thu hoạch từ lúc 3 – 4 giờ sáng. Đến trưa, nếu không hái kịp thì nấm sẽ tàn, con mối bò lên ăn đục thân. Loại nấm này rất dễ dập, khó vận chuyển nên thường ít phân phối đi xa hoặc chỉ có thể mang đi sau khi đã sơ chế.

Mối đất làm ổ to như trái dừa khô, hình dáng giống các hốc đất. Tổ mối có màu trắng hoặc hơi ngả vàng. Khi nhổ nấm mối, thường người ta sẽ dùng tay hoặc que để cạy gỡ, tuyệt đối không dùng dao. Nguyên nhân là bởi khi có hơi kim loại, mối sẽ bỏ đi làm năm sau nấm không mọc nữa. Nếu thấy nấm còn quá nhỏ, chưa thể nhổ ngay, người miền Tây “xí phần” bằng cách lấy 1, 2 tàu lá dừa phủ lên hay cắm một đoạn cây vào đó làm dấu hiệu.


Trong quá trình đi tìm nấm, có người mũi thính thì chỉ cần ngửi cũng biết nấm mọc ở đâu, thậm chí nắm được số lượng nhiều hay ít. Nhưng nếu không có duyên hoặc mới đi bắt, có trường hợp tìm mãi cũng không gặp vì nấm thường mọc dưới lớp phân đất xốp, bên trên có nhiều lá khô bao phủ.

Tuy nhiên, nấm mối cũng là loài khá “đỏng đảnh”, nên có khi chỉ cần trái gió trở trời hoặc gặp một cơn mưa bất chợt là cũng nhất quyết không chịu nhô lên. Đợi đến lúc thời tiết, độ ẩm thích nghi, chúng mới đua nhau xuất hiện.

Nấm mối hái về chỉ cần ngâm nước muối và rửa sạch nhẹ nhàng, tránh để nấm vỡ hay bị nát, mất chất ngọt. Những người có kinh nghiệm vẫn truyền tai nhau, loại ngon nhất là nấm vừa nở vào buổi sáng, vừa tươi, vừa săn chắc, rất lý tưởng để chế biến các món ăn. Dù là nấu canh, nấu cháo, xào, kho hay nướng, nấm mối vẫn thuộc vào hàng cao cấp.

Những thực khách du lịch miền Tây Nam Bộ từng thưởng thức qua nấm mối thì quả quyết, trên đời này không có loại nấm nào sánh bằng. Với vị ngọt dịu tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, nấm mối làm được nhiều món ngon, bổ dưỡng như xào mỡ, um lá cách, làm nhân bánh xèo… Ngoài ra, món canh tập tàng nấu với nhiều loại rau ngót, rau má, rau dền, lá cách… mà có thêm chút nấm mối thì khỏi phải chê.


Dân nhậu cũng coi nấm mối là món ăn thượng hạng, chỉ cần xào với mỡ để giữ nguyên vị ngọt và mùi thơm, không cần phải thêm thịt, cá hay nêm nếm nhiều gia vị. Nấm mối còn được ưa chuộng, dùng khi nấu các loại cháo cá, cháo thịt, cháo gà, bánh canh nước cốt dừa,… Nhưng đặc biệt hơn cả, chắc chắn phải kể đến cháo cóc nấu nấm mối.

Sau khi bắt cóc đem về, đầu bếp chỉ cần làm thịt thật sạch, lấy phần thịt bằm nhuyễn đem nấu cháo thật nhừ rồi cho nấm mối vào. Theo dân gian, cháo cóc nấm mối với hành, tiêu là món có nhiều vị thuốc, lợi cho sức khỏe, trẻ con ăn sẽ tránh được bệnh còi xương, thanh nhiệt, còn người lớn ăn thì tăng cường thể lực, giúp ích cho chuyện “phòng the”. Thưởng thức ngay khi còn nóng, thực khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn hương vị tuyệt vời của món ngon này.

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Cảm nhận trọn vẹn sức hấp dẫn lạ kì từ Don sông Trà

Có những món ăn chỉ cần nghe tên cũng có thể hình dung ra hương vị, nhưng cũng có món dù nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần cũng chẳng tượng tượng nổi hình thù, nguồn gốc của chúng ra sao. Don- đặc sản Quảng Ngãi là một trong những món ăn như vậy.

Don là món ăn không chỉ có cái tên lạ mà còn mang cả hơi thở và cuộc sống của con người Quảng Ngãi. Tùy vào sở thích ăn uống cũng như khẩu vị mà mỗi thực khách sẽ có cảm nhận riêng về don, nhưng chắc chắn món ăn sẽ mang đến sự trải nghiệm mới lạ về vị giác. Mỗi khi có dịp ghé thăm miền đất Quảng Ngãi, du khách du lịch hè 2018 đừng quên thưởng thức món don đặc biệt này.


Don thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, dài hơn một phân. Vỏ don thường mỏng hơn các loài ốc khác. Ruột don màu vàng và có những tua hồng bao quanh. Don nằm sâu dưới cát (khoảng 5 phân), mỗi năm chỉ nổi lên một lần với mực nước ngập khoảng một mét.

Don chỉ có ở hai con sông lớn của Quảng Ngãi là sông Trà và sông Vệ. Loài don thường sống rải rác khắp nơi, lòng sông, bờ sông... và đông đúc nhất là ở khu vực gần các cửa sông. Điểm tập trung sinh sống ưa thích của don là môi trường đất cát. Thường vào mùa khô hạn khoảng tháng 4 đến tháng 5, người dân xung quanh hai con sông mới vào mùa cào don. Nhưng có khi vào tháng 7 don cũng xuất hiện nhiều. Don sống vùi trong cát nên việc cào don rất cực khổ với người dân. Có những hôm gặp nước lớn, người cào don phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ mà cũng không bắt được nhiều.


Nếu có may mắn được đến Quảng Ngãi vào đúng mùa don, du khách hãy tranh thủ thưởng thức món ăn đặc biệt này. Vào những thời điểm khác trong năm, người Quảng Ngãi thường thay don bằng hến. Dù 2 loài này có cùng họ với nhau, nhưng nếu trong bát không phải con don có màu vàng với những tua hồng bào quanh thì món ăn dù có thêm bao nhiêu gia vị cũng chẳng thể nào đúng kiểu.

Món don đặc sản chỉ gồm một tô nước có màu đùng đục, trong có chứa nhiều con don nhỏ xíu, ít hành tây và một cái bánh tráng gạo nướng. Đơn giản vậy nhưng món ăn đã đi sâu vào tâm trí của mỗi người con xứ Quảng khi xa quê hương.

Sau khi cào don về, người ta ngâm, rửa sạch sẽ rồi cho don vào nồi nước sôi, khuấy mạnh và đều tay. Khi don há miệng cũng là lúc phần nước luộc có được tất cả những gì tinh túy nhất. Nước luộc don được cho riêng ra nồi khác, nêm nếm vừa ăn tùy theo khẩu vị của mỗi người.

Riêng con don đãi lấy ruột. Sau đó bẻ bánh tráng sống cho vào bát, đổ nước don và cho con don vào, rắc thêm hành tây, hành lá, ớt xiêm và rải rác vài hột tiêu xay nhuyễn. Món ăn này mà có thêm sự kết hợp của tép tỏi Lý Sơn và mùi cay thơm của ớt hiểm thì sẽ vô cùng hoàn hảo.


Đợi đến khi bánh tráng ngậm nước, hơi mềm, thực khách du lịch Quảng Nam Đà Nẵng hãy thong thả thưởng thức vị thơm, ngọt của nước dùng, bánh tráng, vị cay của ớt, tiêu… Tất cả hòa quyện tạo nên sức hấp dẫn lạ kì, khiến người ăn cảm nhận trọn vẹn vị ngon đến bồi hồi.

Để thay đổi khẩu vị, bạn có thể làm món don xào hoặc cháo don đơn giản mà cực kỳ ngon. Ở những nơi khác đôi khi cũng có món don. Nhưng khi ăn thử, người tinh ý vẫn nhận ra don có vị tanh cho dù đã ướp rất nhiều gia vị. Nếu có dịp ghé Quảng Ngãi, bạn có thể thưởng thức món don này tại khu đối diện Núi Bút, hoặc dọc đường Quang Trung hay Trần Hưng Đạo.

Có thể nói món don như đặc tính của người đất Quảng, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ của con don trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Quảng Ngãi.. Mộc mạc, dân dã song canh don gần như chứa đựng tất cả con người, tình cảm và văn hóa của vùng đất núi Ấn sông Trà này.