Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Nhớ cái hồn xưa của thành phố ngàn hoa

Cứ ngỡ thành phố ngàn hoa chỉ quá tải du khách trước và trong dịp Tết Nguyên đán, ai ngờ đã gần hết tháng giêng mà chúng tôi vẫn chen chúc giữa biển người. Bất cứ ai lên xứ sở ngàn hoa, nên thơ, nên nhạc vào những dịp lễ, Tết đều rơi vào cảm giác hụt hẫng, tiếc nhớ một Đà Lạt xưa. Nhớ cái khí hậu mát lạnh hòa quyện trong cỏ cây hoa lá muôn sắc màu; nhớ cái tĩnh mịch liêu trai như ru hồn người lữ khách…

Nhớ hồn Đà Lạt

Thay vào không gian mơ mộng đó, Đà Lạt những ngày này là một biển người chen chúc, với những từ ngữ nhận xét bộc phát đồng nghĩa của du khách du lịch Đà Lạt như “kinh khủng”, “dễ sợ”, “khiếp quá”,… kèm những cụm từ ngắn gọn nhắc nhở nhau như “coi chừng móc túi”, “coi chừng đi lạc”, “hãy cầm tay nhau”,..


Ngay buổi tối đầu tiên đến Đà Lạt, chúng tôi đã may mắn gặp một người Đà Lạt gốc (chị đã ngoài 60 tuổi, được sinh ra lớn lên ở Đà Lạt), chị Nguyễn Thị Y chia sẻ: “Người Đà Lạt cũ rất chi là lịch sự, mua bán rất nhã nhặn. Giờ ngay cả như mình, cũng ngại đi chợ truyền thống. Người Đà Lạt căn bản một chút hầu như đi siêu thị, vì hàng hóa ngoài chợ truyền thống thì thật giả lẫn lộn, không đảm bảo chất lượng, người mua bán thì hung dữ, thách đố, làm mình cũng không trả giá được,… Đó là điều mà tôi cũng như những người Đà Lạt xưa đều vô cùng tiếc nuối…”.

Thành phố Đà Lạt những ngày quá tải, dù giá phòng lưu trú đã được niêm yết công khai, nhưng từ 300 ngàn đồng/phòng/đêm, vẫn tăng lên 1,5 triệu đồng/phòng/đêm; phòng từ 500 ngàn đồng/phòng/đêm vẫn tăng lên 2,5 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay vẫn không thấy du khách nào lên tiếng phàn nàn về việc ấy, vì đó là “do du khách tự thuyết phục và chấp nhận, chứ không phải khách sạn đòi lên”. Bởi lẽ, những người kinh doanh cơ hội tại thành phố mộng mơ này cũng thừa biết “cái thế” của mình, du khách khó có thể ngủ trên xe, ngoài trời trong đêm lạnh…

Thực tế, sự quá tải buồng phòng không phải là vấn đề lớn, bởi những năm gần đây, người dân Đà Lạt đã biết lợi dụng thế mạnh du lịch, nên gần như nhà nhà làm du lịch. Số lượng phòng lưu trú tăng lên gấp rưỡi lần do nhà ở của nhiều người dân đã biến thành homstay,…

Cần xem lại chất lượng dịch vụ

Tôi đã có N lần đến với Đà Lạt. Song, cảm nhận về dịch vụ du lịch tại thành phố du lịch nổi tiếng này: lần sau luôn tệ hơn lần trước. Phải chăng, khi nhà nhà đổ xô làm du lịch (homstay), các cơ quan quản lý nhà nước mất kiểm soát với loại hình lưu trú này ?!...

Một biệt thự homsaty được cấp phép, treo bảng kinh doanh, nằm ngay trung tâm thành phố (cách Hồ Xuân Hương gần 300m), nhưng khi chúng tôi vào ở, cứ ngỡ mình đang trở về thời khốn khó của thập niên 80, mùi ẩm mốc chưa được khử trùng xộc vào mũi khi du khách vừa mở cửa… Những thiết bị cũ kỹ và dơ bẩn vẫn không được thay thế, dù sự thay thế đó không mất quá 500 ngàn đồng.


Chị H.T.M - du khách đến từ Nha Trang bộc bạch: “Tôi được người địa phương giới thiệu 1 homstay ngay trung tâm (gần trạm bán vé Phương Trang). Thật bất ngờ, khi đơn vị quản lý cấp phép cho kinh doanh theo hình thức homstay. Tôi nghĩ, nó là phòng trọ thì đúng hơn, bởi đơn giản nó chỉ là 1 cái phòng để ngủ, ngoài ra không có bất cứ sinh hoạt gì thú vị, chung với gia đình. Họ chỉ là lạm dụng từ homstay, vậy mà các nhà quản lý vẫn cứ cấp phép…”.

Sau nhiều ngày trải nghiệm, nếu phân tích đúng nghĩa của một thành phố du lịch, Đà Lạt vẫn “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”. Ban ngày, hầu hết du khách du lịch Đà Lạt 3 ngày 2 đêm lang thang chụp hình lưu niệm và ăn; đêm đến, hầu hết du khách đổ về chợ. Nếu đến Đà Lạt để vui chơi, chắc chắn du khách sẽ thất vọng. Vì những khu vui chơi giải trí của Đà Lạt nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Nếu đến Đà Lạt để nghỉ dưỡng thì đừng ra phố, đừng vào chợ, mới cảm nhận được sự bình an và tránh những phiền toái đáng tiếc như kẹt xe, rác thải bừa bãi, tình trạng chen lấn tại các nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống cũng như chợ văn minh,…

Hầu hết những du khách đã từng yêu thành phố ngàn hoa - Đà Lạt, quay lại đều thất vọng và nhớ hồn Đà Lạt. Đó là một thành phố sương mù yên ả mê hồn…

Đứng giữa Đà Lạt mà lạc lõng, mà nhớ về Đà Lạt… Nếu các nhà quản lý, các nhà làm du lịch địa phương không chú trọng đến cảm xúc du khách đến Đà Lạt, thì e rằng sự hấp dẫn của thành phố mộng mơ sẽ không còn níu chân người lữ khách trong một tương lai không xa.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Những danh thắng độc đáo của đất Quảng Yên

Không chỉ là một vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các lễ hội truyền thống đặc sắc, Quảng Yên còn là nơi sở hữu nhiều di tích, danh thắng. Đặc biệt, trên địa bàn thị xã còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc Pháp mà nổi bật là trụ sở HĐND và UBND thị xã ngày nay. Bên cạnh công trình này còn có hai cây lim Giếng Rừng, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.


Hai cây lim cổ thụ dưới chân núi Tiên Sơn, phố Đoàn Kết xưa, gắn liền với hai giếng thơi - Giếng Rừng. Hai giếng này có từ lâu đời, nằm gần hai cây lim. Khu vực này trước đây là những cánh rừng cổ trên mảnh đất Yên Hưng. Những bãi cọc lim Bạch Đằng gắn với những chiến công vang dội thời Tiền Lê và Lý - Trần được khai thác từ những cánh rừng này. Hai cây lim trên 700 tuổi là di tích còn sót lại của những cánh rừng lim bạt ngàn ngày xưa. Di tích Hai cây lim Giếng Rừng chỉ cách Bãi cọc Bạch Đằng khoảng 2km, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988.

Theo ông Lê Vang, khu 5, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên - nhà gần di tích Hai cây lim Giếng Rừng, cho biết: Hai cây lim gắn liền với 2 giếng thơi ở đây mà chúng tôi vẫn gọi là Giếng Rừng. Giếng quanh năm đầy nước, không bao giờ cạn, nước giếng ngọt, mát. Ngày xưa, giếng là nơi cả huyện Yên Hưng lấy nước dùng sinh hoạt, người dân bên vùng đảo Hà Nam cũng thường xuyên sang đây gánh nước về dùng. Đến giờ, tuy có nước máy rồi nhưng các hộ dân chúng tôi quanh đây vẫn cứ dùng nước ở giếng để nấu ăn...


Hai cây lim Giếng Rừng thân cây cao khoảng 30m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20m. Trải qua năm tháng và khí hậu khắc nghiệt nhưng cây vẫn xanh tươi như một tượng đài mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy sinh lực. Hai cây lim cổ thụ Giếng Rừng không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, gợi nhớ thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn có giá trị về mặt tự nhiên. Được biết, nhiều nhà khoa học đề nghị nhân giống hai cây lim cổ thụ trồng thành những rừng gỗ lim quý phục vụ sản xuất và đời sống.

Dời hai cây lim Giếng Rừng, từ phố Ngô Quyền, rẽ sang phố Trần Hưng Đạo, du khách tour du xuân 2019 có thể đến thăm một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu vẫn còn lưu giữ lại trên địa bàn TX Quảng Yên, đó là trụ sở HĐND và UBND TX Quảng Yên mà trước kia là nhà Công sứ Quảng Yên. Nhà Công sứ Quảng Yên đã có hơn 120 năm tuổi, được xây dựng năm 1888-1890. Đây là nơi làm việc của Công sứ Quảng Yên, sau là dinh tỉnh trưởng tỉnh Quảng Yên. Toà nhà mang phong cách kiến trúc của Pháp, nhưng vẫn có hồn vía Việt qua các ô cửa sổ, sân vườn và vị trí phong thuỷ phương Đông của toà nhà. Trải qua thời gian dài và những lần tu bổ, tôn tạo, nhưng đến nay ngôi nhà và khuôn viên vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Giò trứng Nộn Khê - Thương hiệu riêng của ẩm thực Ninh Bình

 “Từ xưa giò trứng Nộn Khê/Trên mâm cỗ Tết thiếu thì kém sang”, món ăn đặc sản giò trứng từ xa xưa đã đi vào thơ ca của người dân làng Nộn Khê (huyện Yên Mô - Ninh Bình). Món quà quê bình dị, dân dã được dùng trong nhiều dịp quan trọng.

Về làng Nộn Khê những ngày này, bước qua cổng làng, du khách tour du xuân 2019 bắt gặp ngay hình ảnh những chiếc giò trứng được nẹp bằng gỗ dựng sát đường, hơi khói tỏa ra nghi ngút.



Nộn Khê là làng văn hóa thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với nhiều nét văn hóa đặc sắc như Lễ hội Báo Bảng, chợ đêm cổng Đình vào rằm tháng Giêng.

Đặc biệt, giò trứng Nộn Khê là món ăn không thể thiếu làm nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của làng. Cũng vì vậy mà tên món giò trứng gắn liền với tên của làng - giò trứng Nộn Khê.

Bà Bình (60 tuổi) - người có hàng chục năm kinh nghiệm gắn bó với nghề làm giò trứng Nộn Khê cho biết: "Người dân nơi đây không biết giò trứng có từ bao giờ, chỉ được nghe ông bà kể lại. Khi ông bà lớn lên đã có món này rồi, và đó là món ăn không thể thiếu trong những mâm cỗ: ngày cưới hỏi, ngày hiếu hỉ, ngày giỗ chạp, đặc biệt là ngày Tết và những dịp lễ hội quan trọng của làng. Cũng vì thế mà quanh năm đều có giò trứng, nhưng chủ yếu nhất vẫn là mùa lạnh và đỉnh điểm là dịp Tết Nguyên Đán".

Nguyên liệu chính làm nên món giò trứng của người Nộn Khê gồm thịt lợn xay, ba chỉ, trứng gà, lá chuối, lạt buộc và các loại gia vị trong nhà bếp.


Mỗi lớp thịt lại một lớp trứng, kèm theo vài lát thịt ba chỉ, cứ thế xếp chồng lên nhau, đan xen tầng tầng tầng lớp lớp, hòa quyện vào nhau đầy đặn vuông vắn.

Bí quyết để món trứng giò khi cắt ra trông được đẹp, nhìn như cánh hoa là phụ thuộc vào trình độ cũng như sự tài hoa, khéo léo sắp xếp trứng của người thợ.

Trứng gà phải dùng sợi cước mảnh để cắt đôi theo chiều dọc quả trứng, không thể dùng dao dày vì rất dễ làm vỡ trứng. Trứng sắp xếp thành 2 lớp riêng, mỗi lớp xếp thành các hàng so le nhau cho đều. Mỗi chiếc giò sử dụng khoảng 10 - 16 quả trứng tùy thuộc kích thước giò cũng như sở thích của khách hàng.

“Muốn ngon, đúng vị, điều quan trọng là thịt lợn phải là thịt mông tươi, nóng dẻo khi vừa mổ mới đạt yêu cầu, không dùng thịt nguội . Trứng phải luộc thật kỹ, thịt ba chỉ được ướp gia vị đầy đủ cho thẩm thấu từng thớ thịt. Lúc bó giò phải trải thật đều tay. Sau khi luộc giò chín (khoảng 2,5 tiếng), phải đưa đi ép vuông ngay để định hình giò, công đoạn ép này phải mất từ 4-5 tiếng, lúc ấy giò nguội thì mới được” -bà Bình nói.

Giò trứng Nộn Khê ăn kèm hành muối, mọc luộc với chút nước mắm ngon là chuẩn nhất. Giò trứng kích thích tất cả các giác quan thực khách tour Hà Nội Bái Đính Tràng An khi ăn, với hương vị béo ngậy của thịt ba chỉ, nạc xay, trứng gà bùi ngậy, mùi thơm của lá chuối tươi cùng gia vị hòa quyện tạo nên nét đặc trưng.

Sự sáng tạo, tinh tế của giò trứng thể hiện ở chỗ đưa trứng gà vào kết hợp cùng món giò quen thuộc làm tăng dinh dưỡng, tăng cảm giác ngon miệng, giảm độ ngấy so với giò thông thường.

Màu sắc đẹp mắt tinh tế hơn khi kết hợp với màu trắng và vàng tươi của trứng, y như điểm hoa cho món ăn.

Giò trứng chỉ sử dụng được trong 1 tuần và phải bảo quản trong tủ lạnh. Đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo kết hợp với sự tinh túy trong ẩm thực đã tạo nên sức hút cho món ăn mang thương hiệu Nộn Khê.


Giò vốn là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, từ giò lụa đến giò xào. Tuy nhiên giò trứng thì chỉ riêng làng Nộn Khê mới có. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm giò, ông Nguyễn Văn Quyền- 59 tuổi chia sẻ: "Món giò trứng trông thì dễ nhưng làm thì kỳ công, rất khó và nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Giò trứng muốn vận chuyển xa phải được đóng thùng, đi xe lạnh để đảm bảo chất lượng".

Trong làng, hầu như ai cũng biết làm giò trứng. Thế nhưng để giò thật ngon, có thẩm mỹ, chuẩn vị truyền thống thì chỉ có 3 hộ gia đình đảm bảo tốt nhất và trở thành 3 cơ sở sản xuất uy tín. Trong đó, thương hiệu giò trứng bà Bình là nổi tiếng nức vùng gần xa, phải đặt trước mới có. Vào mùa, mỗi ngày bà làm ít thì 100kg giò trứng, đỉnh điểm có ngày lên đến 300-400kg.

Món giò trứng Nộn Khê đã xuất sắc khi đạt giải Ba trong “Hội thi nấu ăn ngành du lịch Ninh Bình năm 2017”.

Món ăn gia truyền độc đáo này đã theo chân nhiều người con trong làng làm ăn xa ở mọi miền, mang thương hiệu riêng của làng - giò trứng Nộn Khê bay xa hơn, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.