Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Bất cập trong bảo tồn giá trị làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2006. Tuy nhiên, trải qua 12 năm thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nơi đây hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Khóc dở, mếu dở vì trùng tu

Mới đây, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp để thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ. Nhiều ý kiến bức xúc, khóc dở mếu dở của người dân trong việc trùng tu đã được nêu ra. Nghịch lý là nhà kiên quyết từ chối, nhà mòn mỏi đợi được tu bổ.Trường hợp trùng tu của gia đình ông Cao Văn Chiến, thôn Cam Thịnh bị chắp vá đủ kiểu.


Ông Chiến cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện nhà cổ và đã được tu sửa được 8-9 năm nhưng gỗ đã mối mọt đục hết, ngày nào cũng phải quét mối mọt”. Ông Chiến cũng cho biết, hiện ông không thể ở được mà chỉ qua lại trông nom vì mái dột, thủng khắp nơi do chất lượng trùng tu kém và ẩu. Mái cũ nhà ông dùng nhiều năm, chẳng bị làm sao, nhưng thay mái mới trùng tu thì chỉ mấy năm là bị trôi, vẹo hết mái.

Ông Chiến bức xúc: “Biết thế này thì tôi không cho sửa nữa. Rất nhiều nhà được sửa cũng nằm chung tình trạng này. Nhà nước có chính sách sửa và giữ được nguyên bản nhà cổ thì ai cũng quý, cũng vui nhưng đúng là khi sửa xong như thế này xuống cấp quá nhanh thì không được, đến ở còn không xong. Tôi đã có suy nghĩ phải tự mình dỡ mái ra để tự sửa mới được, chứ đợi xin phép thì chắc không còn nhà nữa”.

Với lo ngại tình trạng sẽ diễn ra như nhà ông Chiến, gia đình ông Trương Văn Bản kiên quyết từ chối trùng tu: “Nhà tôi 3 gian giữa là nguyên bản chưa hề sửa chữa, gỗ vẫn là gỗ từ xưa có tuổi đời gần 270 năm. Năm 2014, thấy nhà bị xuống cấp, tôi đã xin phép để sửa tuy nhiên tôi không đồng ý cách tu bổ của họ nên không đồng ý cho sửa. Cách thức chỉ là chắp vá và nối vào chỗ mục, chỗ hỏng vì không muốn nhà bị chắp vá nên tôi không đồng ý. Hàng cột các cụ để lại hàng trăm năm mới có dấu hiệu hỏng, trong khi gỗ thay thế vài ba năm đã cong vênh, mối mọt. Thực tế đã có nhiều nhà tu bổ xong còn tệ hơn”.

Trong khi đó, gia đình bà Bùi Thị Thành, thôn Cam Lâm lại mòn mỏi chờ đợi được tu bổ. Bà Thành cho hay: “Nhà tôi có tuổi đời khoảng trên 100 năm, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình không thể tu bổ được. Tôi đã có mấy lần làm đơn đề nghị được cấp phép tu bổ vì tường, vách đã bị mục, nứt hết tạo nên những lỗ hổng hông hốc. Mái nhà, gỗ đã bị mục nát hết, cột bị mối mọt ăn hết tất cả.


Nếu có trận mưa là phải tát nước ra hoặc mang chậu thau ra hứng chỗ dột. Nền bị võng xuống như một cái lòng thuyền, nước chảy tràn hết xuống nhà, rất khó khăn trong sinh hoạt. Tôi chỉ làm ruộng, quanh năm không có tiền, nhà lại không được sửa, rất vất vả. Nhiều khi tôi đã không muốn nhận danh hiệu nhà cổ nữa. Tôi muốn đề nghị thay hoặc sửa lại nhà để tiện sinh hoạt”.

Giải pháp đồng bộ

Hiện nay, làng cổ Đường Lâm có hơn 900 gia đình sống trong cảnh “khóc dở mếu dở” vì nhà cổ. Sau 12 năm, từ khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích cấp Quốc gia, phân loại danh mục các nhà cổ được bảo tồn, mới có 17/956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Liên quan đến nghịch lý trùng tu, ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác trùng tu nhà cổ, có những gia đình được cấp kinh phí và hướng dẫn cho trùng tu nhưng không nhất trí. Ông Sơn cho biết, việc trùng tu được thực hiện theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo đó, phải bảo tồn nguyên yếu tố gốc của di tích.

Biện pháp trùng tu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định là hỏng đâu sửa đấy. “Ví như cột bị hỏng khoảng bao nhiêu % thì phải sửa chỗ đó, có những cái cột ở giữa nhà nhưng không cho người dân thay mới thì họ sẽ không chịu. Nhiều cột, nhà bị mối mọt đáng lẽ ra phải thay nhưng theo quy định thì không được thay, chỉ hỏng đâu sửa đó, làm bằng gỗ xoan thì người dân lại không muốn làm nữa. Dân lúc nào cũng muốn mới, không bao giờ chấp nhận bị chắp vá có trong nhà họ.


Giờ làm nhà bảo tàng thì được nhưng nếu để ở thì khó, bảo tồn phải bảo tồn nguyên trạng thì rất khó” – ông Sơn cho biết. Đây là một việc Ban Quản lý gặp khó khăn trong việc giữ lại những ngôi nhà cổ. Người dân từ chối nhận tiền đầu tư của Nhà nước, bởi vì nếu nhận thì phải thực hiện tu bổ sửa chữa theo cách của người dân. Họ giải quyết bằng cách không ở trong những ngôi nhà cổ đó nữa, mà nhà đó không ở trong một vài năm sẽ bị sập ngay.

Thực tế, phải có giải pháp đồng bộ sao cho vừa giữ được nét cổ nhưng cũng phải mang lại lợi ích cho người dân. Trong đó, cái cốt lõi nhất là phải làm thế nào cho người dân được hưởng lợi từ dịch vụ, du lịch, những sản phẩm nông nghiệp, đặc sản trở thành sản phẩm du lịch như khoai, bánh tẻ, tương, rượu... Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 10% có được thu nhập từ dịch vụ du lịch. Ban Quản lý cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, tập huấn cho người dân dưới sự phối hợp với Nhật Bản, bố trí lại không gian những ngôi nhà, hướng dẫn dân nấu, thi nấu cỗ, hỗ trợ người dân tổ chức chợ quê thu hút du khách du xuân đầu năm.

Trước thực trạng này, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 11403/VP-KGVX về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm. Trong đó, việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh để việc quản lý được tập trung, hiệu quả hơn.

Ông Sơn cũng cho biết, UBND thị xã Sơn Tây và Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã họp với các ngành để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch. Địa phương đang thuê lại đơn vị đánh giá lại kiến trúc, thiết lập lại bản đồ quy hoạch di tích. Trong tháng 4,5 tới đây sẽ tổ chức thông qua hội nghị với người dân cùng các nhà quản lý, các nhà khoa học để điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích làng cổ Đường Lâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét