Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Hương vị thân thuộc dân dã của chè lam Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm – ngôi làng cổ nhất còn tồn tại ở Việt Nam từ lâu đã được biết đến như một địa điểm du lịch nổi tiếng. Không những thế, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều món đặc sản dân dã nổi tiếng, đặc biệt là món bánh chè lam.

Trước đây, chè lam thường được làm vào dịp Tết như một món ăn chơi dân dã. Ngày nay, khi đến với làng cổ Đường Lâm Sơn Tây, chúng ta không khó bắt gặp mùi hương thơm nức của gạo nếp, mạch nha, gừng, đậu phộng rang từ những gia đình còn duy trì nghề truyền thống này.


Dừng chân tại một cơ sở sản xuất chè lam truyền thống, chúng tôi được tìm hiểu và thưởng thức món chè lam ngay từ khi mới ra lò. Trước đây, người ta thường dùng mật mía để làm chè lam, ngay nay người dân đã thay thế bằng đường Lam Sơn. Dù vậy, hương vị và độ hấp dẫn của chè vẫn không bị mất đi.

Gừng được chọn để làm bánh phải là gừng già, cay và thơm. Sau đó gừng được đem đun với nước, đường và mạch nha ở độ lửa vừa đủ để gừng không bị cháy. Khi đun đã được một màu vàng óng, người ta đổ vào trộn với bột nếp và lạc rang đánh đều lên sao cho không bị vón cục. Sau khi đã quấy đều, bước cuối cùng là đổ chè lên lớp bột trắng cán đều để chè không bị dính vào nhau và có thể cắt thành từng miếng dễ dàng.


Để hoàn thành được món chè lam, đòi hỏi người làm phải hết sức khéo léo trong kỹ thuật quấy đều. Mặc dù các phương tiện máy móc công nghiệp đã rất phát triển, nhưng với người dân Đường Lâm, họ vẫn sử dụng cách làm truyền thống từ đời xưa. Có lẽ vì thế mà hương vị chè lam thân thuộc mãi mãi không bị mất đi, hấp dẫn du khách du xuân đầu năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét