Núi non bao bọc và vươn mình ra biển tạo nhiều bãi biển, vịnh nhỏ trên vịnh Xuân Đài gây xao lòng du khách trong cái nhìn đầu tiên. Vịnh Xuân Đài mới được nhắc đến là một vịnh biển đẹp trên dải đất miền Trung, nhưng đã được nhiều người yêu biển biết đến trước đó. Đơn giản, đây là một vịnh đẹp thuần khiết mà khi nhắc đến, người ta dùng cụm từ “vẻ đẹp xao lòng” để diễn tả. Đến đây, du khách tour hè 2018 như quên hết những gì đã trải qua bởi vịnh Xuân Đài sững sờ trước mắt !
Nằm ngay bên Quốc lộ 1A, vịnh Xuân Đài như một nàng tiên còn vùi trong giấc ngủ dài. Những bãi biển ở Đà Nẵng, Nha Trang đã lấn át vịnh Xuân Đài cho đến khi người ta sực nhớ đến và quay lại ngắm nhìn. Vịnh rộng trên 13.000 ha trải dài trên thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Cửa vịnh rộng khoảng 4,4km; bờ vịnh dài đến 50km. Có những chỗ nước sâu đến 18m.
Ba mặt của vịnh là những dải núi bao bọc và vươn dài ra biển. Phần đá tiếp giáp với mặt biển bị sóng bào mòn, tạo những hình thù lạ mắt. Lần đầu tiên đến đây, mọi người đều ngỡ ngàng trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Trên núi, cây và đá ôm nhau, chen chút nhau tạo những mảng xanh tươi mát. Nước biển xanh mênh mông. Đúng nghĩa là non xanh, nước biếc như tranh…
Từ xa xưa, vịnh Xuân Đài được biết đến rất sớm. Trong lịch sử nước nhà, quân Tây Sơn và nhà Nguyễn đã có một trận thủy chiến tại đây. Nơi đây từng là một trung tâm thương mại sầm uất trên biển và bờ. Người dân địa phương tự hào với vịnh biển này vì đã diễn ra một hoạt động ngoại giao lịch sử vào năm 1832. Khi đó, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang thư của tổng thống nước này đến vịnh Xuân Đài gặp gỡ Ngoại lang Nguyễn Tri Phương (do vua Minh Mạng cử đến) để xin “giao hảo thong thương”. Vịnh Xuân Đài trở thành nơi ban giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Suốt một thời gian dài, khu vực này là thủ phủ của tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, nơi đây còn lưu dấu những chiến công, lịch sử trong công cuộc mở đất và giữ gìn bờ cõi của cha ông… Mãi đến ngày 20-1-2011, vịnh Xuân Đài mới được công nhận là Di tích cấp Quốc gia và được chú trọng phát triển du lịch.
Tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận nối tuyến du lịch đến vịnh này, tạo một sản phẩm mới cho du lịch miền Trung. Khi nhiều nơi bị quá tải và áp đặt nhiều công trình kiến trúc vào thiên nhiên thì Xuân Đài trở thành điểm đến hấp dẫn. Ở đó, du khách có thể tìm về thiên nhiên hoang sơ. Làng xóm sống chan hòa, chen chút, nhưng vẫn giữ được nét đẹp thuần khiết của thiên nhiên.
Xung quanh vịnh Xuân Đài có nhiều nơi để du khách dừng chân. Gành Đèn, một phần của dải núi Cây Me bao quanh vịnh, là những khối đá chất chồng lên nhau tạo thành một vị trí hiểm trở. Trên đỉnh có ngọn hải đăng để hướng dẫn tàu thuyền vào ban đêm nên người dân địa phương gọi là Gành Đèn.
Bãi biển Bình Sa là một bãi biển đẹp, rừng phi lao che phủ tạo điệu nhạc lòng biển cả làm hút hồn bao du khách tour Phú Yên Quy Nhơn. Nhiều ngọn núi nhô ra biển, chia mặt nước vịnh Xuân Đài thành nhiều vịnh nhỏ.
Dưới chân núi giáp biển hình thành những bãi tắm, bãi đá. Dưới chân Hòn Bồ và núi Mù U có các bãi Lỗ Tra, bãi Than, bãi Nhàu, bãi Bàng… Các bãi biển này có diện tích không lớn nhưng đủ để khách thư giãn, ngắm cảnh và trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, biển cả. Gần đó là những làng mạc, thị tứ nhỏ.
Làng An Thạnh dọc theo vịnh này có nghề ủ chượp nước mắm nổi tiếng miền Trung. Đến nay, người dân địa phương vẫn còn giữ nghề, dù không được phát triển mạnh mẽ như Phan Thiết – Bình Thuận hay Phú Quốc – Kiên Giang.
Vịnh Xuân Đài nằm trải dài và kết nối với các địa danh khác dọc theo Quốc lộ 1A của tỉnh Phú Yên tạo thành chuỗi điểm đến thú vị, như: Đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa… Từ nay, du khách khi qua dải đất miền Trung phải ghé lại Phú Yên để dạo chơi cảnh sơn thủy hữu tình chứ không lướt qua như trước đây. Phú Yên đang dần hình thành nhiều khu du lịch sinh thái thân thiện với thiên nhiên. “Sinh sau, đẻ muộn” nhưng du lịch nơi đây hấp dẫn du khách không bởi tiện nghi mà là thiên nhiên hoang sơ và sạch sẽ.
Không chỉ cảnh đẹp mà hải sản nơi đây thuộc hàng “có tiếng” trong vùng. Sở hữu nhiều vịnh biển, đầm phá nên khu vực này là nơi trú ngụ, kiếm ăn của nhiều loài hải sản. Môi trường biển sạch nên chất lượng hải sản luôn được hạng cao trong lòng thực khách. Tại các đầm phá ở “xứ Nẩu”, ngư dân đã từng bắt nhiều loài hải sản, nhất là cua, ghẹ có trọng lượng đến vài ký mỗi con. Sò huyết đầm Ô Loan được xếp hạng nhất về chất lượng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét