Nằm bên dòng sông Đáy thơ mộng, Quần thể di tích chùa Trầm tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Sơn Trầm) thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, hang Trầm là nơi Hồ Chủ tịch từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm việc (từ ngày 20/12/1946 đến ngày 4/3/1947).
Quần thể di tích lịch sử
Núi Trầm là khối núi đá vôi được tạo thành từ 9 đỉnh nhỏ, nổi lên sừng sững giữa những cánh đồng lúa trải dài mênh mông, giữa xóm làng chen vai sát cánh, lại được dòng sông Đáy xanh trong mềm mại như một dải lụa bao quanh, núi Trầm vì thế có phong cảnh hết sức nên thơ, tráng lệ.
Chùa Trầm Chương Mỹ Hà Nội nguyên bản là chùa Hang. Xưa, toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Chùa Hang được xây dựng năm 1536 trong động Long Tiên dưới chân Tử Sơn Trầm với những pho tượng đá, văn bia khắc trên vách động, trống đá, khánh đá... Năm 1893, khi Thống đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu xin danh thắng này về quản lý đã đưa chùa Hang lên sườn núi xây dựng lại gọi là chùa Trầm.
Trải qua gần 400 năm với những di biến, thay đổi, song dấu tích chùa Hang xưa vẫn còn nhiều trong Động Long Tiên với các pho tượng phật, tiên, hộ pháp… tạc bằng đá rất sinh động; những bài thơ cổ khắc trên vách đá, khánh đá, chuông đồng... Từ năm 1962, khi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, quần thể chùa Trầm càng được quan tâm gìn giữ. Đến chùa Trầm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc di tích, danh thắng: Núi Trầm, chùa Trầm, chùa Hang trong động Long Tiên, chùa Vô Vi mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của đồng bằng Bắc bộ. Đầu tiên phải kể đến trong quần thể này là chùa Trầm được xây dựng từ thế kỷ 16. Tuy là ngôi chùa nhỏ, nhưng với thế “tựa sơn, hướng thủy”, lưng dựa vào dãy Tử Trầm, mặt hướng ra sông Đáy, chùa Trầm có được một phong cảnh hữu tình hiếm có. Những vách đá, những tán cây trên núi còn xòa bóng, khiến cho không gian ở đây mát mẻ quanh năm, với cảm giác như núi và chùa liền một khối, gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời.
Ngay bên phải chùa Trầm là động Long Tiên (hay còn gọi là hang Trầm), trong động là chùa Hang án ngữ. Cửa hang Trầm không lớn lắm, nhưng bên trong hang lại có không gian thoáng đãng với vòm hang khá cao. Vào những ngày đẹp trời, ánh sáng tự nhiên len qua những khe nhỏ trên vòm hang chiếu rọi khắp không gian trong động. Du khách có thể nhìn thấy nhiều thạch nhũ với nhiều màu sắc, hình thù độc đáo.Cùng với đó là rất nhiều tượng phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi. Ở chính giữa động là bàn thờ phật được trang hoàng với nhiều bức tượng Phật lớn, nhỏ. Theo Ban Quản lý di tích chùa Trầm, có 49 bức tượng Phật bằng đá ẩn hiện trong động. Chính điều đó đã làm cho chùa Hang, cho động Long Tiên trở nên độc đáo, hấp dẫn.
Dấu ấn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vùng đất Chương Mỹ có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, vì vậy thường được chọn là địa bàn đóng quân, tổ chức những trận đánh mang tính quyết định chiến lược để tiến vào Đông Đô- Thăng Long. Do có vị trí chiến lược quan trọng, cuối năm 1946, khi âm mưu trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ, nhận thấy khả năng về một cuộc chiến tranh với Pháp là không tránh khỏi trong khi chúng ta chưa đủ lực để ở lại Thủ đô, một bộ phận của Đài Tiếng nói Việt Nam đã di chuyển máy móc về lắp đặt trong hang Trầm. Mục đích là quyết không để “Tiếng nói Việt Nam” bị ngưng nghỉ khi ta tiến hành nổ súng. Chính vì có sự chuẩn bị trước như vậy mà sáng 20/12/1946, lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch đã được phát đi trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam từ chính hang Trầm.
Người dân ở xã Phụng Châu kể rằng, chiều 21/1/1947, tức chiều 30 Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xã Cần Kiệm, huyện Quốc Oai đến chùa Trầm. Người nhanh nhẹn bước vào chào vị sư trụ trì đồng thời gặp mặt anh em cán bộ nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam chờ đón Người ở đó. Người nói vui, Tết này là Tết đầu tiên trong kháng chiến nên ai ai cũng phải cố gắng, ai ai cũng phải thi đua. Người đã cùng chung vui và chúc Tết mọi người ngay trong hang Trầm sau khi đã thu âm xong bài thơ chúc Tết. Bài thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước xuân Đinh Hợi (1947) chính là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Người. Bài thơ vang lên rành rẽ và ấm áp trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại chùa Trầm.
Trước khi quay lại xã Cần Kiệm, Hồ Chủ tịch còn xin sư trụ trì mấy miếng vải đỏ. Người đặt vào từng miếng vải đó một đồng xu và gói lại. Người bảo để về bên ấy (xã Cần Kiệm) sẽ làm quà mừng tuổi các cụ cao tuổi và các cháu thiếu nhi. Vị sư trụ trì chùa Trầm bèn đứng lên xin Người cho câu đối để nhà chùa cùng anh em cán bộ của Đài đón Tết. Hồ Chủ tịch rất vui, Người liền viết lên tấm vải đỏ mà vị sư vừa đem ra đôi câu đối: “Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành”.
Hơn 70 năm đã trôi qua nhưng lời hiệu triệu núi sông của Hồ Chủ tịch ngày 19/12/1946 còn nguyên giá trị lịch sử. Nó khẳng định mãi mãi một chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và lời thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947 của Người cũng đi qua 70 mùa xuân đất nước. Lời của Người đã truyền núi sông như một tiên lượng cho một tương lai của cuộc kháng chiến tuy mới mở màn nhưng báo trước thắng lợi cuối cùng. Kháng chiến thắng lợi đồng nghĩa với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước thắng lợi. Đất nước thu về một mối đồng nghĩa với công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước sẽ đạt được như mong muốn của Người.
Lễ hội chùa Trầm được tổ chức vào ngày 2/2 Âm lịch hàng năm. Du khách tour du xuân 2019 tới lễ chùa Trầm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành, thịnh vượng. Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hoá dân tộc với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà… và cả lễ rước ảnh Bác gắn với dấu ấn lịch sử khi Bác Hồ nhiều lần về thăm và làm việc tại nơi đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét