Hiện nay, việc lên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử từ phía Đông (phía tỉnh Quảng Ninh) chẳng còn gì khó khăn khi đã có hệ thống cáp treo hiện đại và những bậc thang phẳng phiu… Nhưng, ít người biết còn một đường khác – con đường xuyên rừng bên mặt Tây núi, từ huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang – đầy mạo hiểm và thách thức…
Lý do thứ nhất để tôi chọn con đường này để du lịch Yên Tử là sự mới mẻ, hấp dẫn đủ để thoả lòng những du khách ưa thích cảm giác phiêu lưu. Con đường xuyên rừng này vắng vẻ, ít dấu chân người đến nỗi mỗi bước đi, mỗi lần đặt chân lên một bậc đá là bạn phải thận trọng tìm chỗ tốt nhất. Thỉnh thoảng, bạn có thể bắt gặp vài vết dao chém trên các thân cây dọc đường. Bạn đừng vội trách người nào đó tàn nhẫn với thiên nhiên bởi những vết chém ấy là cách người đi trước làm dấu đường cho người đi sau.
Lý do thứ hai chính là vẻ đẹp tinh khôi của con đường: những phiến đá hình thù kỳ lạ, những chồi non xanh mơn mởn, những phiến đá xanh rêu mượt mà, những cành hoa e ấp… Tất cả như những nốt nhạc tràn đầy sức sống trong bản nhạc bất tận của thiên nhiên…
Lý do thứ ba là cảm giác mát mẻ và sảng khoái trong hơn 3 giờ hì hụi leo trèo để lên đỉnh. Trong cả chặng đường dài, ánh mặt trời phải rất khó nhọc mới len được qua tán rừng, soi xuống mặt đất. Lên núi bằng đường này, các bạn nữ sẽ không cần kem chống nắng, các bạn nam cũng không phải vất vả vác theo nhiều nước uống…
Lý do thứ tư mà con đường này hấp dẫn tôi (dù nói ra hơi khó tin) chính là những trải nghiệm vất vả trên đường: những cú trượt chân khi bước lên những tảng đá đầy rêu, những vết bầm ở chân, những vết trầy xước ở tay, ở mạn sườn… Nhưng những vất vả ấy sẽ được đền bù xứng đáng khi ta đặt chân đến đích cuối cùng và nhận ra một chân lý: đỉnh thiêng Yên Tử hay những đỉnh cao khác của cuộc đời luôn nằm yên chờ ta ở đâu đó, không lùi xa hay mất hẳn bao giờ…
Lý do thứ năm để du lịch Yên Tử bằng đường bộ là khi đi được khoảng ba phần tư quãng đường, bạn sẽ bắt gặp một “cụ rùa” to bằng đá – một tác phẩm kỳ lạ của tạo hoá. Nếu nằm ở một nơi đông người lui tới, chắc “cụ” cũng sẽ có miếu thờ, nhưng ở giữa rừng hoang ấy, năm này qua năm khác, cụ vẫn lẻ loi ngẩng đầu thi gan cùng tuế nguyệt.
Và lý do cuối cùng là cảm giác khi được đứng trên đỉnh cao, phóng tầm mắt ra xung quanh, miệng lẩm nhẩm một câu hát quen: “Mênh mênh mang mang phù vân Yên Tử”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét