Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Du lịch Yên Tử thăm chùa Hoa Yên

Nơi tọa lạc các tháp mộ Thiền sư tu hành ở Hoa Yên thời Trần, Lê.


Từ Vườn tháp Huệ Quang đi tiếp lên núi vài chục mét, du khách du lịch Yên Tử lên đến chùa Hoa Yên. Hai bên triền núi vườn chùa, các đức Tổ xưa trồng tùng, cúc, trúc, mai và là nơi tọa lạc các tháp mộ Thiền sư tu hành ở Hoa Yên thời Trần, Lê.

Ở độ cao 534m so với mực nước biển, từ xưa, chùa Hoa Yên giữ vị thế là chùa trung tâm của cả hệ thống chùa Yên Tử. Tên cũ của chùa là Vân Yên, dân gian thường gọi là Chùa Cả, Chùa Chính, Chùa Yên Tử. Chùa từng có gác chuông, lầu trống, nhà tăng, viện Phù Đồ... Đến thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) lên vãng cảnh chùa, thấy cảnh trí tốt tươi, trăm hoa đua nở, bèn đổi tên chùa thành Hoa Yên.

Chùa là nơi tu hành, thành đạo, truyền thừa của các thế hệ Tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử: Thời Lý có Thiền sư Hiện Quang khai sơn chùa Vân Yên từ trước năm 1220. Thời Trần có Quốc sư Đạo Viên, Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Thiền sư Huệ Tuệ. Tại chùa Hoa Yên, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa, Huyền Quang kế thừa và phát triển dòng Thiền Yên Tử lập nên Thiền Phái Trúc Lâm với tinh thần nhập thế và hộ quốc an dân.

Thời Lê có Thiền sư Chân Trú, Tuệ Chân, đặc biệt là Thiền sư Chân Nguyên - người có công chấn hưng Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử...

Hơn 700 năm, chùa Hoa Yên qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa ngày nay được phục dựng vào năm 2002, phía dưới nền chùa còn lưu giữ móng nền chùa thời Trần được khảo cổ và phát lộ trước khi phục dựng chùa này. Ngôi chùa kiến trúc hình chữ công (工) gồm Tiền đường có ba gian hai trái, Trung đường (Thiêu hương), Hậu cung (Thượng điện) có ba gian. Chùa thờ tượng Phật theo cách thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam.

Sau chùa là Nhà Tổ kiến trúc hình chữ nhất (一), gồm năm gian hai chái, thờ tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tượng Tam Tổ Trúc Lâm, tượng Tam Vương, tượng Đức Thánh Trần, tượng Tam Tòa Thánh Mẫu.

Hai bên chùa là nhà tả vu và hữu vu, kiến trúc giống nhau, gồm năm gian, hai tầng tám mái, làm lầu chuông, lầu khánh.

Phía trước sân chùa có ba cây đại cổ, tuổi vài trăm năm. Hai phía hồi chùa còn hai cây sung cổ. Phía Đông sân chùa dựng bia Hậu Phật khắc ghi công đức của bà Vũ Thị Phương đã xuất tiền của cứu trợ dân nghèo vùng Nam Mẫu, Trung Lương, Nội Hoàng.

Sau chùa Hoa Yên có nhiều tháp thờ ngọc cốt của các Thiền sư tu hành tại Hoa Yên: Tháp Độ Nhân thờ Thiền sư Tuệ Xuân, người được vua Lê sắc phong là Chính giác Hòa thượng Đại đức Thiền sư Độ Nhân Bồ-tát; tháp Hương Hà thờ Thiền sư Thanh Toán; tháp Tĩnh Tuệ thờ Thiền sư Tuệ Nhật…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét