Mỗi món ăn của du lịch miền Trung không những chứng tỏ tài khéo léo, đảm đang của người nội trợ, nét đặc sắc của mỗi địa phương, hơn thế nữa nó còn thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Bình Định là địa phương có nhiều món ngon và đặc sản nổi tiếng được kết tinh từ đất nước, con người, và đặc trưng văn hóa của miền đất võ.
Nem Chợ Huyện
“Rượu ngon Trường Úc mê ly/Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành”.
Nem Chợ Huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính vẫn là thịt. Thịt ở đây được chọn khá kỹ và phải là thịt heo cỏ. Khâu gói nem rất cần sự tỉ mỉ, cẩn thận để nem đạt độ chín, khi mở lá ra ruột nem có màu hồng bóng, nem được ăn với rau thơm, có thể cuốn với bánh tráng. Nem khi ăn được chấm với nước tương hoặc nước mắm tùy theo khẩu vị của mỗi người.
Bánh ít lá gai
“Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”
Bánh được làm từ: gạo nếp, lá gai, đậu xanh, dừa, đường cát…những sản vật bổ và ngon được trộn lẫn vào nhau theo một công thức bí truyền đã làm nên nét độc đáo riêng của bánh ít. Khẩu bánh thật dẻo, nhưng ăn không dính răng. Ăn một miếng vị thơm của nếp, vị bùi của đậu, vị béo của dầu, vị ngọt của đường, hương cay nồng của gừng, tạo thành một cảm giác khoái khẩu và rất riêng của sản vật này.
Chình mun Châu Trúc
Cá chình thuộc họ nhà lươn, chạch nhưng lớn hơn nhiều, có con nặng hàng ký. Đặc biệt Chình mun Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ là loại Chình mun nổi tiếng nhất hiện nay của du lịch miền Trung bởi thịt của nó thơm ngon, bổ dưỡng. Chình mun Châu Trúc có thể nướng hoặc um với chuối, cộng thêm ít hành, ngò.
Bún cá Quy Nhơn
Điều làm nên vị ngon “ngất ngây” của bún cá du lịch miền Trung chính là chả cá. Chả cá được làm từ cá thu, cá mối, cá thuẫn, cá rựa… Cá được nạo thịt rồi trộn với dầu ăn, gia vị, hành tím, hành lá…tạo hương vị thơm. Xương cá được hầm chung với xương heo, bắp cải, thơm, cà chua để làm nước súp, cộng thêm ít hành, tiêu, chanh, ớt và một ít rau thưởng thức thì quả là sản vật hết sức thú vị.
Bún Song Thằn
Làm bằng đậu xanh với nước dòng sông Côn. Nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt là có giá trị dinh dưỡng cao, được sản xuất từ vùng An Thái (Nhơn Phúc, An Nhơn). Sở dĩ gọi là “song thằn” vì khi làm bún người ta thường bắt bún thành từng đôi một. Tương truyền các vua triều Nguyễn thường triệu thợ bún vùng An Thái ra kinh đô Huế làm, nhưng không thành công, vì không có nước sông Côn.
Bánh tráng nước dừa
Được làm từ tinh bột khoai mì, trộn với nước cốt dừa, ít vừng, hành và hạt tiêu tất cả đem trộn lại với nhau theo tỉ lệ bí truyền. Bánh thường dùng để khai vị, ăn vào miệng ta có thể cảm nhận được hương vị rất đặc trưng bởi sự hòa quyện của bột khoai mì, nước cốt dừa, cay thơm nồng của hạt tiêu, hành…
Tré
Tré có vị chua, ngọt, thơm dịu; Nguyên liệu làm tré gồm: thịt heo, riềng, tỏi thái mỏng, nêm gia vị cho vừa miệng ăn. Sau đó lót một lớp lá ổi, dùng một lớp rơm khô lót bên ngoài và bó cho thật chặt. Tré được ủ 2 - 3 ngày sẽ chín; các gia vị thấm vào thịt tạo nên một mùi thơm đặc trưng, cộng với vị riềng, tỏi lên men rất thơm ngon, quyến rũ.
Rượu Bàu Đá
Được mệnh danh là “Đệ nhất danh tửu”, rượu được chưng cất từ gạo và nguồn nước ngầm trong mát, ngọt ngào từ những hộc đá ngầm xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Để có rượu ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy trình, kỹ thuật chưng cất đến chất men, nguồn nước. Rượu Bàu Đá càng để lâu càng thơm ngon, uống càng đậm đà, càng sảng khoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét